Khi khái niệm làm đẹp dần quen thuộc thì cũng là lúc sự cạnh tranh trong ngành này trở nên gay gắt. Việc thiết lập các chiến lược Marketing Mix là điều quan trọng giúp doanh nghiệp tạo lợi thế cạnh tranh và ghi lại dấu ấn trong lòng khách hàng. Nếu bạn cũng quan tâm về vấn đề này, hãy cùng thôi phân tích chiến lược Marketing Mix trong ngành Beauty tại bài viết này.
Chiến lược Marketing Mix là gì?
Marketing Mix có lẽ là thuật ngữ đã quá quen thuộc với người làm Marketing nói riêng và kinh doanh nói chung. Tuy nhiên, bạn có dám khẳng định với tôi rằng bạn đã hiểu sâu, hiểu kỹ và ứng dụng nó vào doanh nghiệp. Đây quả thức là điều không hề dễ dàng chút nào. Việc ứng dụng linh hoạt, kết hợp các biến số là một nghệ thuật.

Đây cũng là lý do, thuật ngữ Marketing Mix xuất hiện lần đầu tiên từ năm 1953 bởi Neil Borden và cho đến ngày nay, chúng ta vẫn nghiên cứu về nó. Với mô hình Marketing Mix cổ điển, chúng ta chỉ đề cập đến 4P: Product – Price – Place – Promotion.
Tuy nhiên, giờ đây đối tượng của Marketing không còn dừng lại ở những sản phẩm hữu hình. Mô hình cũ đã không còn phù hợp với những đặc điểm của nhóm hàng dịch vụ (và đối tượng mà chúng ta đang nghiên cứu Spa – Beauty thuộc vào nhóm sản phẩm đặc thù này). Nó thúc đẩy một mô hình Marketing Mix được cải tiến ra đời với sự xuất hiện của 3 biến số mới: People – Process – Physical Evidence.
Lật lại, thắc mắc chúng ta đang tìm hiểu: Chiến lược Marketing Mix là gì? – Nó là kết hợp các biến số trên nhằm giúp doanh nghiệp đạt được mục tiêu tiếp thị trên thị trường. Hoạt động này đòi hỏi ở người làm lãnh đạo phải có sự hiểu biết và tầm nhìn chiến lược. Nếu bạn cũng tò mò về nó, hãy cùng tôi phân tích những nội dung dưới đây.
Xem thêm: Giải quyết bài toán khởi nghiệp ngành Spa, Thẩm mỹ viện như thế nào?
Chiến lược Marketing Mix trong ngành Beauty
Thật khó cho chúng ta để lọt vào mắt xanh của khách hàng giữa vô vàn thương hiệu hoạt động trong ngành Beauty. Lúc này, Marketing được xem là “chiếc phao cứu sinh” mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng phải bấu vào. Tại đây tôi xin bàn chi tiết về các nét đặc trưng và cách thức sử dụng từng biến số Marketing trong ngành Beauty.

1. Product – Sản phẩm
Ngành Beauty được chia thành 2 nhóm sản phẩm chủ yếu gồm:
- Các sản phẩm mỹ phẩm (hữu hình).
- Dịch vụ chăm sóc sắc đẹp (vô hình).
Mỗi nhóm này sẽ có các danh mục sản phẩm nhất định. Tùy thuộc vào quy mô, nhóm khách hàng mục tiêu, thị trường hoạt động để đưa ra các đường hướng lựa chọn.
Lưu ý, 2 tuyến sản phẩm trên dù thuộc cùng một ngành nhưng lại có những đặc tính khác biệt từ tính hữu hình, giá trị vốn, biên lợi nhuận… Đặc biệt với dịch vụ chăm sóc sắc đẹp mà nhất là dịch vụ đại phẫu càng cần để ý. Để hoạt động, kinh doanh được nó đòi hỏi một lượng vốn lớn từ tiền bạc đến trình độ chuyên môn.
Ngoài ra, ngành nghề Beauty có ảnh hưởng trực tiếp đến nhan sắc và sức khỏe. Do đó, để hoạt động “bền” trong ngành này, hãy coi sản phẩm là trái tim, là giá trị cốt lõi cho mọi chiến lược. Do vậy, sản phẩm là yếu tố đầu tiên được quan tâm trong chiến lược Marketing Mix ngành Beauty.
Đồng thời, đừng chỉ dừng lại ở việc đem đến các sản phẩm/dịch vụ cơ bản. Hãy mở rộng các cấp độ sản phẩm, phát triển sản phẩm/dịch vụ gia tăng nhằm nâng cao tính cạnh tranh.
2. Price – Giá
Beauty được coi là lĩnh vực có chiến lược giá rất linh động, nó có thể thay đổi theo phân khúc khách hàng, theo thời gian, theo không gian. Ngoài ra, với đặc tính sản phẩm ngành Beauty, nhất là các dịch vụ chăm sóc da mặt hay các dịch vụ phẫu khác, hiếm có dịch vụ nào chỉ thực hiện trong 1 buổi.
Ở đây, ý tôi muốn nói là, ngoài tiền bạc, cái giá khách hàng phải bỏ thêm còn bao gồm thời gian, công sức. Thậm chí, nó còn có thể là cảm giác đau đớn phải chịu với các dịch vụ đại phẫu như nâng mũi, cắt mí… Vì vậy, hoạt động ở ngành này, người làm Marketing phải có cái nhìn bao quát hơn.

Có nhiều chiến lược giá có thể theo đuổi ở ngành Beauty, bạn có thể lập giá dựa theo đối thủ cạnh tranh, phân khúc khách hàng hoặc % doanh thu muốn đạt được. Bên cạnh đó, với tính giai đoạn của dịch vụ (thực hiện trong nhiều buổi) thì việc đặt giá “phễu” chính là kỹ thuật vàng được nhiều nhà kinh doanh áp dụng.
3. Place – Phân phối
Như tôi đã đề cập, ngành Beauty chia thành 2 tuyến sản phẩm vô hình và hữu hình. Hoạt động phân phối 2 tuyến này có sự khác biệt rất lớn, cụ thể:
Sản phẩm mỹ phẩm (hữu hình)
Sản phẩm này có thể áp dụng được 2 hình thức phân phối trực tiếp hoặc gián tiếp qua trung gian. Tức, bạn có thể bán trực tiếp sản phẩm cho khách hàng thông qua cửa hàng hoặc các kênh Online. Đồng thời, bạn có thể sử dụng các trung gian phân phối, đại lý của mình làm đơn vị tiêu thụ (trường hợp này áp dụng khi bạn là đầu mối bán sỉ).
Dịch vụ chăm sóc sắc đẹp
Với dịch vụ, việc cung cấp và tiêu thụ sản phẩm không thể tách rời. Ở đây chúng ta chỉ có phân phối trực tiếp tại không gian thực, thời gian thực. Hình thức phân phối Online cũng không thể áp dụng với dịch vụ này. Do đó, các Beauty cung ứng nhóm dịch vụ này cần để ý rất lớn đến địa bàn hoạt động.
Ngoài ra, dịch vụ chăm sóc sắc đẹp được sử dụng ngay khi sản xuất và không thể dự trữ. Do đó, nếu muốn mở rộng tệp khách hàng, doanh nghiệp có thể mở thêm nhiều chi nhánh. Chú ý, chi nhánh phải ở nơi có khách hàng mục tiêu.
4. Promotion – Xúc tiến thương mại
Promotion không chỉ tập trung vào quảng cáo hay khuyến mãi và nó là toàn bộ các hoạt động truyền thông nhằm kích thích nhu cầu khách hàng. Nó giúp khách hàng nhận ra các lợi ích thực sự của dịch vụ. Nếu, sản phẩm/dịch vụ là giá trị cốt lõi thì xúc tiến, truyền thông chính là yếu tố dẫn dắt khách hàng đến giá trị cốt lõi đó.

Xét về chiến lược Marketing Mix trong ngành Beauty, đối với các dịch vụ vô hình thì biến P – Promotion này càng phải được đặc biệt chú trọng. Bởi, khách hàng họ đâu thể cầm nắm sản phẩm của bạn. Việc của bạn là phải làm sao cho họ dù không nhìn thấy nhưng vẫn có thể cảm nhận được giá trị của nó. Đây cũng là lý do tại sao truyền thông trong ngành dịch vụ mang tính hướng dẫn rất cao.
Ngày nay, với sự bùng nổ của Internet, việc sử dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội để quảng bá đang rất được ưa chuộng. Website, Mạng xã hội (Facebook, Instagram, TikTok…) đang trở thành vũ khí sắc bén nhất. Lưu ý, ngành nghề Beauty đòi hỏi phải có hình ảnh đẹp. Vì vậy, nếu đủ khả năng, hãy xây dựng đội ngũ Media cho riêng mình.
5. People – Con người
Với biến P này, chúng ta sẽ tập chung nhắc đến sản phẩm là dịch vụ. Theo đó, con người tạo ra dịch vụ và cũng chính con người ảnh hưởng tốt hoặc xấu đến kết quả của dịch vụ đó. Với lĩnh vực Beauty, sự hài lòng của khách hàng còn chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sự tương tác trực tiếp giữa họ và nhân viên.
Đôi khi, khách hàng yêu thích một Spa – Thẩm Mỹ Viện nhờ vào thái độ, kỹ năng, cách chăm sóc tận tình của nhân viên. Đặc biệt, với các dịch vụ đại phẫu thì yếu tố danh tiếng, uy tín của bác sĩ trở nên rất quan trọng. Vì vậy, đừng bao giờ xem nhẹ hoạt động đào tạo và quản lý nhân viên.
Bên cạnh đó, việc chiêu mộ người tài trong ngành Beauty không phải chuyện may mắn. Để có được người tốt ở bên cạnh mình, nhất là các vị trí nhân sự cấp cao, chủ doanh nghiệp cần có khả năng quan trị và đắc nhân tâm tốt. Trong đó, một số yếu tố giúp nhận biết nhân tài ngành Beauty:
- Am hiểu thị trường, đối thủ, biết họ chạy dịch vụ gì? Chạy như thế nào? Hiệu quả tổ chức bán hàng ra sao?
- Vừa có khả năng bao quát, vừa có kỹ năng đi vào tiểu tiết, biết cách làm gương cho nhân viên.
- Với một nhân sự lead cần phải hiểu rõ về mô hình kinh doanh, cơ cấu chi phí – doanh thu…
6. Process – Quá trình
Dịch vụ làm đẹp không thể tồn trữ được và chất lượng của nó lại dễ bị ảnh hưởng bởi vô vàn các yếu tố khác nhau. Vì vậy, để quản trị chất lượng, kiểm soát rủi ro, người làm kinh doanh phải thiết kế được quá trình vận hành bài bản.

Với các cơ sở Beauty tôi đang quản lý, biến P này được thực hiện dựa theo tiến trình sử dụng dịch vụ của khách hàng (trước – trong – sau khi sử dụng dịch vụ). Mọi điểm chạm với khách hàng cần được xử lý một cách tốt ưu nhất. Bởi, có một câu châm ngôn bạn không bao giờ được quên trong ngành này là: “Khách hàng là thượng đế”. Nếu những thượng đế này không hài lòng, họ sẽ sẵn sàng rời bỏ bạn.
Ngoài ra, việc xây dựng quy trình bài bản còn giúp doanh nghiệp bạn tiết kiệm được chi phí quản lý. Đồng thời, nó hỗ trợ nâng cao giá trị thương hiệu và tạo dựng niềm tin trong mắt khách hàng. Vì vậy, đừng xem nhẹ hay bỏ qua biến “P – Process” trong chiến lược Marketing Mix ngành Beauty.
7. Physical Evidence – Môi trường vật chất
Khách hàng đến Spa – Thẩm Mỹ Viện để làm đẹp, thư giãn. Đa phần, những người này đều có mức thu nhập khá trở nên và họ mong muốn được hưởng các dịch vụ tốt nhất. Do đó, họ dễ dàng bị thu hút, tin tưởng vào các Spa có vẻ ngoài hoàng nhoáng.
Đồng thời, ngành dịch vụ là yếu tố vô hình, vì vậy người làm Marketing phải biết cách sử dụng các yếu tố “hữu hình” nhằm gia tăng tỷ lệ chuyển đổi. Để Spa hoạt động tốt, hãy để ý đến các yếu tố về màu sắc, phòng ốc, thiết kế… Đặc biệt, nếu thể hiện được các chứng nhận, bằng khen, bằng cấp của bác sĩ hay đơn vị thì càng gia tăng được niềm tin với khách hàng.
Lưu ý, dịch vụ làm đẹp nhất là các dịch vụ như massage, tắm trắng toàn thân… đòi hỏi sự riêng tư khá lớn. Hoặc các dịch vụ đại khẩu như hút mỡ, nâng ngực… lại đòi hỏi môi trường vô khuẩn. Người làm kinh doanh phải nhận thức chính xác các vấn đề này để thiết kế, trang bị không gian cho phù hợp.
Lưu ý khi thiết lập chiến lược Marketing Mix trong ngành Beauty
Hãy nhớ rằng, mọi biến số đều phải hoạt động dựa trên mục tiêu Marketing đã định sẵn. Đồng thời, khách hàng là người trả tiền cho dịch vụ, là người đem lại doanh thu. Vì vậy, bất cứ hoạt động Marketing nào của doanh nghiệp cũng cần dựa trên chân dung khách hàng. Bạn cần đặt khách hàng làm trung tâm và mọi hoạt động đều nên hướng đến việc giải quyết vấn đề cho họ.
Việc thiết lập một chiến lược Marketing Mix trong ngành Beauty đã khó nhưng làm sao để biến những điều trên giấy hiện diện trong đời thực còn khó hơn. Dù bạn có hiểu hết các biến số được nêu ở trên nhưng không biết cách kết hợp chúng thì con đường đến thành công vẫn rất chông gai. Có một yếu tố bạn chú ý là tính liên kết, xuyên suốt giữa mục tiêu và cách thức sử dụng từng biến số.
Các yếu tố về tính khả thi, nguồn lực, ngân sách cũng được thể hiện rõ ràng trong chiến lược này. Nó giúp bạn đảm bảo kế hoạch đã ra không rời xa thực tế. Từ đó, hạn chế được các vấn đề phát sinh không đáng có khi chiến lược đi vào thực tiễn hoạt động.
Chiến lược Marketing Mix trong ngành Beauty là chủ đề tôi rất hứng thú. Nếu bạn có bất cứ thắc mắc nào hoặc có vấn đề gì muốn trao đổi có thể liên hệ với tôi qua Fanpage: Lương Nguyễn.